Thời vua Friedrich II Đại Đế Quân_đội_Phổ

Những cuộc chiến tranh Silesia

Quân đội Phổ xung phong trong trận đại chiến tại Leuthen, 1757, qua nét vẽ của Carl Röchling. Chiến thắng vẻ vang này, cùng đại thắng trong trận Roßbach trước đó đưa nước Phổ trở nên vang danh trên khắp thế giới.[92]

Ngay sau khi nhà vua Friedrich Wilhelm I về cõi vĩnh hằng, con ông là Friedrich II (tức Friedrich Đại Đế) (17121786) được tôn làm Quốc vương, ở tuổi 28 (1740). Lúc vị tân vương vẫn khóc vì thương nhớ phụ vương của ông, Vương công Leopold I vào cung yết kiến ông. Vị Thống chế già thể hiện hy vọng của mình, rằng sẽ tiếp tục được phục vụ ba quân như ở đời tiên vương Friedrich Wilhelm I. Tân Quốc vương không ngại gì đáp ứng lời thỉnh cầu của ông, lại còn ban cho ông một con tuấn mã.[86] Vị vua - chiến binh Friedrich II Đại Đế lập tức giải toán lực lượng "Những người khổng lồ thành Potsdam" hoành tráng, và thành lập bảy Trung đoàn mới với 1 vạn quân tinh nhuệ, dùng chi phí cho lực lượng "Những người khổng lộ thành Potsdam" trước đây để trả lương cho họ. Vị tân Quốc vương cũng thêm 16 Tiểu đoàn, 5 Sư đoàn Khinh Kỵ binh và một Sư đoàn Ngự Lâm quân.[93] Ông cũng phong các em mình là Thái đệ August Wilhelm, Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig và Hoàng tử August Ferdinand làm tướng soái trong Quân đội Phổ.[91] Cũng như mọi Quân đội lân bang, ông giữ những hình phạt hết sức khắt khe trong Quân đội Phổ.[94] Thời đó, các Trung đoàn Phổ là những cỗ máy chiến tranh của Bộ Chỉ huy. Có lần, khi nhà vua làm lễ duyệt binh cùng Vương công Leopold I, ông hỏi Leopold I rằng cái gì làm cho vị lão thần ấn tượng nhất? Leopold I đáp: "Muôn tâu Đức Thánh Thượng! Còn gì hơn sự uy dũng của ba quân của Người, cùng với sự bài bản và tuyệt hảo của những cuộc hành binh của họ?... Nhưng, thưa Quốc Vương kính yêu, điều lão đây thán phục nhất là chúng ta có thể đứng tuyệt đối an toàn tại đây, nhìn trước 6 vạn đại binh - họ đều là kẻ thù của chúng ta, và không ai trong số đó có vũ trang tốt và hùng mạnh hơn chúng ta, và rồi họ đều phải kiêng dè trước uy thế của chúng ta, trong khi chúng ta không gì lại nể sợ họ. Quả là hiệu lực kỳ diệu của nề nếp, lòng trung thành và sự giám sát chặt chẽ".[95]

Hãy lên đường đã nhận lấy niềm huy hoàng của các Ngươi!
— Lời Friedrich II Đại Đế nói với ba quân khi bắt đầu đánh Silesia[96]

Trong năm trị vì đầu của mình ông đã phát động chiến tranh.[97] Nếu chiếm được tỉnh Silesia thì Vương quốc Phổ sẽ có nhiều thuận lợi do đó nhà vua có khát khao chinh phạt tỉnh này.[98] Thế là, dù ban đầu quan Thượng thư Bộ Ngoại giao Podewils khuyên Đức Vua không nên làm vậy, ông xuống lệnh cho Podewils chuẩn bị cho ba quân, vì ông cho rằng, một khi các chiến binh tinh nhuệ được chuẩn bị tốt, "chúng ta sẽ có lợi thế ưu việt hơn hẳn các liệt cường khác trong một sự biến bất ngờ như thế này"[97]. Lúc đó, viên Đại tá là Christoph Wilhelm von Kalckstein có đến yết kiến ông:[97]

Kalckstein: "Muôn tâu Chúa Thượng, liệu Hạ thần có đúng đắn khi nghĩ rằng Người đang phát động chiến tranh?"Nhà vua: "Ái Khanh cứ nói!"Kalckstein: "Ba quân sẽ hành binh về Silesia?"Nhà vua bắt tay Kalckstein: "Đức Chúa Thượng có giữ bí mật này được không?"Kalckstein: "Hạ thần xin tuân lệnh Thánh Thượng"Nhà vua: "Tốt, vậy là Quả nhân đã có thể lên đường"!

Và rồi ông thân chinh xuất 27 nghìn đại quân chinh phạt tỉnh Silesia, mở đầu những cuộc chiến tranh Silesia chống Nữ hoàng Áo là Maria Theresia. Cuối năm 1740, trước sự kháng cự lẻ tẻ của người Áo, Quân đội Phổ đã nhanh chóng chiếm được thủ phủ Breslau và mọi pháo đài Silesia.[99][100] Dù rằng vị Quân vương trẻ tuổi phải rút khỏi trận tiền, đội quân Phổ dũng mãnh do Thống chế Schwerin chỉ huy đã đánh bại quân Áo trong trận đánh tại Mollwitz vào năm 1741. Schwerin - vị dũng tướng thắng trận này - được mệnh danh là "một trong những vị tướng lĩnh vĩ đại nhất thời đại".[101] Lực lượng Bộ binh Phổ thiện chiến đã giáp chiến dữ dội, đến mức một tên tù binh Áo phải gọi họ là "những bức tường chuyển động".[102] Cả thế gian phải thán phục đoàn quân chiến thắng và quân Áo đã phải khiếp sợ trước hỏa lực của Phổ.[103] Vài ngày sau chiến thắng đầu tiên này, nhà vua Friedrich II Đại Đế sáng tác bản "Quân hành ca Mollwitz" (Mollwitzer Marsch).[104] Tuy quân Phổ thắng trận nhưng lực lượng Kỵ binh của Tướng Schulenburg chiến đấu không được tốt, và bản thân Schulenburg cũng hy sinh ngoài xa trường.[105] Sau lần này, đội Thiết Kỵ binh, vốn phải chiến đấu trên lưng những con ngựa nặng, phải dùng những con chiến mã linh động hơn và nhẹ nhàng hơn. Sau chiến thắng, Quân đội Phổ vây hãm pháo đài Brieg và quân trấn thủ ở đây nhanh chóng đầu hàng.[106] Nhà vua gia tăng kỷ luật toàn quân, và cũng mở mang cho các đội Khinh Kỵ binh và Long Kỵ binh của Trung tướng Zieten - người đã đập tan tác quân Kỵ binh Áo trong trận đánh ở Rochschloss vào ngày 17 tháng 5 năm 1741.[102][107] Cuối năm ấy, quân Phổ tiến công thành Neisse và hạ được pháo đài này, trong khi một đạo quân Phổ tiến đánh miền Hạ Silesia.[108] Nhờ có những cải cách của nhà vua, quân Phổ thắng trận tại Chotusitz (1742). Quân Áo phải rút lui, viên Sĩ quan Tham mưu Trưởng là Carl C. von Schmettau khuyên nhà vua truy kích quân địch nhưng ông trả lời: "Khanh nói khá đúng, nhưng Quả Nhân không muốn đánh bại giặc một cách quá tồi tệ". Cả hai bên đều tổn thất lớn, quân Phổ nhờ kỷ cương và dũng khí đã chiến thắng và bắt được nhiều tù binh Áo;[109] và Nữ hoàng Maria Theresia phải nhượng tỉnh Silesia cho nhà vua Friedrich II Đại Đế với Hòa ước Breslau.[110]

Trận Mollwitz - chiến thắng đầu tiên của Quân đội Phổ thời vua Friedrich II Đại Đế.

Vào tháng 9 năm 1743, giữa lúc nước Phổ thái bình, Quốc vương cho ba quân tiến hành cuộc diễn tập Mùa Thu (Herbstübung) đầu tiên,[111] trong đó các đạo quân Phổ được trình diễn đội hình và chiến thuật mới của họ; từ đó Quân đội Phổ thường diễn tập hàng năm vào Mùa Thu. Nhưng vào năm 1744, trước tình cảnh quân Áo đã đánh bại được các kẻ thù của mình, vị vua - chiến binh - triết gia Friedrich II Đại Đế cảm thấy nước Phổ bị đe dọa nên ngưng diễn tập mà nhảy vào chiến tranh lần thứ hai.[112] Quân Áo vượt sông Rhine và gây hiểm họa đến đồng minh của Phổ là Pháp, nhưng quân Phổ đánh xứ Bohemia làm cho quân Áo phải rút về.[99] Sau một cuộc vây hãm ngắn, quân đội của Friedrich II Đại Đế chiếm lĩnh được thành Praha. Tuy nhiên, ông không thể củng cố đại thắng của ông. Cứ điểm của quân ông gần Beneschau không đủ để tấn công quân địch, trong khi đó các đội Khinh binh Áo từ vùng Balkan thường hay hủy hoại đường tiếp tế của quân Phổ, khiến cho ông phải rút quân về.[113][114] Nhưng sang năm 1745, khi liên quân Áo - Sachsen tấn công Silesia, khoảng 5 vạn quân tinh nhuệ[115] do nhà vua Friedrich II Đại Đế thân chinh thống lĩnh đại phá tan tác liên quân Áo - Sachsen trong trận đánh ở Hohenfriedberg (1745). Đây được xem là một chiến thắng vĩ đại nhất của ông.[116] Đại thắng vang dội, kinh điển này góp phần rất quan trọng đến sự phát triển của nền quân sự Phổ - Đức, là một trong những chiến công làm nên lực lượng Quân đội Phổ.[117] Trong trận đại chiến này, quân Kỵ binh Phổ chiến đấu xuất sắc hỗ trợ cho lực lượng Bộ Binh[114] và lực lượng Long Kỵ binh Bayreuth dưới sự chỉ huy của danh tướng Friedrich Leopold von Geßler đã chọc thủng vào kẽ hở của địch quân,[118] chỉ một đơn vị quân Long Kỵ binh Bayreuth đã tiêu diệt được 5 Trung đoàn Áo.[119] Quân Bộ binh Sachsen cũng bị diệt sạch.[115][120] Họ tuân theo huấn lệnh Quân vương rằng chỉ chiến đấu mãnh liệt cho tới cùng thay vì cứ lo bắt tù binh.[121] Chính nhà vua trong trận đánh này cũng vững tay chèo hơn trước, và từ đây danh tiếng quân sự của ông trở nên lẫy lừng trên toàn châu Âu.[117][122] Với đại thắng huy hoàng tại Hohenfriedberg, nhà vua Friedrich II Đại Đế phải khen lực lượng Long Kỵ binh Bayreuth là những "Caesar".[123] Đồng thời, vị tướng Khinh Kỵ Binh là Hans Joachim Ziethen cũng đóng góp to lớn cho đại thắng của Quân đội Phổ, tiêu diệt quân cánh trái Áo.[15][118]

Việc đưa lực lượng Kỵ binh Phổ trở thành một đội quân hùng hậu có lẽ là sáng tạo lớn nhất của nhà vua Friedrich II Đại Đế đối với lực lượng Quân đội Phổ.[124] Tương truyền, Quốc vương sáng tác bản "Quân hành ca Hohenfriedberg" (Hohenfriedberger Marsch) sau ngày đại thắng và tặng bản nhạc này cho lực lượng Long Kỵ binh Bayreuth. Do chiến đấu uy dũng trong trận đại chiến Hohenfriedberg nên một cận tướng của Quốc vương là Hans Karl von Winterfeldt được thăng quan. Ông là vị dũng tướng sáng suốt và tài ba.[125] Thái đệ August Wilhelm đã chiến đấu dũng mãnh của ba quân trong trận thắng này.[126] Không những thế, em ruột của August Wilhelm là Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig cũng thể hiện tài nghệ quân sự thao lược trong hai trận đánh huy hoàng tại Chotusitz và Hohenfriedberg: tuy mới 19 tuổi nhưng ông đã đề xướng như chiến thuật phòng thủ tốt cho ba quân.[127][128] Ông trở thành một trong những người chiến binh kiệt xuất nhất của thời đại.[129] Sau đó, nhà vua Friedrich II Đại Đế bị quân địch vây đánh trong trận đánh khốc liệt tại Soor, nhưng các chiến binh Phổ dũng mãnh đã đập tan tác quân Áo, đem lại một chiến thắng oanh liệt khác cho Quân vương và cũng giúp cho ông giữ được mạng sống của mình. Lần ấy, nhà vua có cho chú chó yêu mến của ông là Biche sát cánh cùng ba quân, nó bị bại binh Áo cướp lấy nhưng rồi bọn họ phải trao trả nó cho ông.[130] Thái đệ August Wilhelm lại thể hiện tài năng chiến đấu trong trận đánh này.[126] Trong khi đó, Nữ hoàng Maria Theresia củng cố liên minh với Sachsen và lôi kéo Nữ hoàng NgaElizaveta Petrovna về phe mình, gây khó khăn cho người Phổ. Nhà vua Friedrich II Đại Đế bèn triệu kiến Vương công Leopold I xứ Anhalt-Dessau tại Liegnitz và ông giao cho vị lão tướng 3 vạn quân từ Halle kéo thẳng về hướng Đông Nam, đến gần Dresden và khi ấy sẽ hội kiến với Quốc vương. Bản thân Quốc vương chỉ huy 4 vạn quân,[118] và dù trong thời tiết khó khăn, đội quân thiện chiến Phổ cũng đã mất dần, vào ngày 23 tháng 11 năm 1745 ông kéo quân vượt sông Queiss tại Naumburg, biên giới phía Đông của miền Lusatia, quân Kỵ binh lập tức xung phong đánh úp liên quân Áo - Sachsen tại trại lính của bọn họ tại Hennersdorf và bắt sống được gần 1 nghìn binh lính Sachsen, đồng thời phá tan tành kho đạn dược của người Sachsen tại Görlitz.[118][131] Quân Phổ bắt sống được đến 5 nghìn tù binh, và chiến thắng lẫy lừng này cũng không khó giành được lắm, quân Áo bỏ chạy về Bohemia. Lúc ấy đã là Mùa Đông, Vương công Leopold I xứ Anhalt-Dessau thấy liên quân Áo - Sachsen đóng cứ vững chắc và có quân số áp đảo, nhưng Quốc vương khuyến khích ông đánh trận.[118] Vào ngày 15 tháng 12 năm 1745, Vương công Leopold I xứ Anhalt-Dessau già cả nhưng đại phá tan nát 25 nghìn quân Sachsen và 6 nghìn quân Áo trong trận chiến đẫm máu ở Kesselsdorf (1745) - một thắng lợi lớn khác của lực lượng Kỵ binh Phổ, tiêu diệt 3500 binh lính Sachsen.[131] Có đến 6700 liên quân Áo - Sachsen rơi vào tay các chiến sĩ Phổ hùng dũng.[118] Hôm sau, vị lão tướng thắng trận này yết kiến nhà vua và báo tin khải hoàn. Sau khi nhà vua hợp binh với Leopold, Quân đội Phổ tiến như vũ bão về kinh thành Dresden của Sachsen.[132] Họ nhanh chóng làm chủ xứ Sachsen.[118] Vào ngày 17 tháng 12 năm 1745, Quân đội Phổ toàn thắng trước cổng thành Dresden, nhà vua khen ngợi Leopold.[131] Các chiến sĩ Phổ thắng trận nhưng vẫn đối xử tử tế với dân tộc chiến bại Sachsen. Những chiến thắng huy hoàng liên tiếp của Quân đội Phổ tại Hohenfriedberg, Soor, Hennersdorf - Görlitz, Hennersdorf đã khiến cho Nữ hoàng Maria Theresia chán nản.[118] Cuối cùng, trong Ngày Giáng sinh năm 1745, Áo phải chịu thua vị vua - hiền triết - chiến binh Friedrich II Đại Đế, kết thúc cuộc Chiến tranh Silesia lần thứ hai. Vị Quốc vương 33 tuổi ca khúc khải hoàn kéo đoàn quân chiến thắng về đất kinh kỳ Berlin. Không những có lực lượng Kỵ binh hùng hậu, mà:[132]

Đức Vua Friedrich không hề thống lĩnh một lực lượng Bộ binh nào xuất sắc hơn Bộ binh của Người trong cuộc Chiến tranh Silesia lần thứ hai.
— Bộ Tổng tham mưu Đức vào thế kỷ thứ XIX
Huy chương Pour le Mérite, được vua Friedrich Đại Đế lập nên vào năm 1740.

Sau chiến thắng, nhà vua dốc sức xây dựng nền kinh tế, mở rộng lực lượng Kỵ binh, gầy dựng Quân đội Phổ bao gồm 143 nghìn quân tinh nhuệ và liên minh với Anh Quốc.[133] Ông cũng với những cựu binh của cuộc nổi dậy Jacobite (Anh) là Bá tước George Keith và em là James Francis Edward Keith về triều làm quan tướng.[134] Vào năm 1748, ông cho các em là August Wilhelm và Friedrich Heinrich Ludwig tổ chức duyệt binh.[135] Còn Maria Theresia thiết lập liên minh với Nữ hoàng Elizaveta Petrovna và vua Pháp là Louis XV để chống lại Phổ.[136] Do lo sợ kẻ thù sẽ xâm lược Vương quốc Phổ[137], nhà vua Friedrich II Đại Đế quyết định chủ động thân chinh xuất đại binh tinh nhuệ đi đánh xứ Sachsen, để xoá tan mối đe dọa đến xứ Brandenburg của ông, để bảo vệ uy thế liệt cường của đất nước.[1] Nhà vua và ba quân nhanh chóng chiếm được thành Dresden, và rồi kéo rốc về thành Pirna để vây hãm quân địch tại đây, mở ra cuộc Chiến tranh Bảy năm (còn gọi là cuộc Chiến tranh Silesia lần thứ ba). Nữ hoàng Maria Theresia sai một danh tướng mang quân đi đánh Phổ trong trận đánh ở Lobositz, nhưng các chiến binh tinh nhuệ Phổ đánh tan tác quân Áo và buộc Sachsen phải đầu hàng. Quân đội Sachsen bị sáp nhập vào Quân đội Phổ,[138] dù thế quân Sachsen đào ngũ không lâu sau đó.[133] Năm sau (1757), nhà vua lại kéo các chiến binh đi chinh phạt xứ Bohemia, và đánh tan tác quân Áo trong cuộc đại chiến ở Praha.[99] Trong trận này, khi triệu tập ba quân dũng tướng Schwerin bị trúng đạn hy sinh trước toàn quân.[139] Khi đó, Thống chế August Wilhelm, Quận công xứ Brunswick-Bevern cũng kéo quân từ Zittau đến đập tan nát 28 nghìn quân Áo ở phía Bắc Reichenberg tại Nesse vào ngày 18 tháng 4 năm 1757, đưa tình hình trở nên có lợi cho toàn quân Phổ.[140] Lực lượng Khinh Kỵ binh Phổ do Trung tướng Zieten thống lĩnh đã đóng góp không nhỏ cho trận đánh khốc liệt này, khi họ xung phong lên đánh giữa lúc ba quân lâm nguy và diệt được Kỵ binh Áo.[141] Sau đó các chiến binh của nhà vua phong tỏa thành Praha, nhưng đại bại tại Kolín nên vua phải rút quân khỏi xứ Bohemia. Tức giận, ông triệu tập tướng sĩ để tấn công quân Áo, và chỉ từ bỏ khi viên cận thần bên cạnh hỏi rằng Đức Kim Thượng có định vác súng xung phong lên đánh đám địch hùng hậu kia không?[142] Song, vị Trung tướng kiệt xuất Friedrich Wilhelm von Seydlitz, với một cuộc tấn công hiển hách, đã đẩy lui được quân Áo truy kích do đó vua rất trọng dụng ông, phong tặng cho ông Huy chương cao quý nhất "Pour le Mérite".[101] Cuộc tấn công vang dội của Seydlitz là một trong những điểm sáng duy nhất của Quân đội Phổ trong trận đánh Kolín.[142] Không những thế, Hoàng thái đệ August Wilhelm lại bị quân Áo chặn đường rút, đẩy Phổ vào tình cảnh khốn khó. Quốc vương giận dữ, bèn tống cổ August Wilhelm ra khỏi Quân đội Phổ, làm vị Thái đệ xấu số tuyệt vọng và mất năm 1758.[101][143] Trong lúc đó, quân Nga tinh nhuệ xâm lược vùng Đông Phổ, và suýt nữa thì thua đạo quân Phổ của Thống chế Hans von Lehwadt trong trận Gross-Jägersdorf, nhiều binh sĩ Phổ hy sinh giữa trận tiền.[142][144] Sau trận đánh tàn khốc này, quân Nga phải lui binh do chịu tổn thất quá ư là nặng nề, không thể đánh nữa, do đó mối họa Nga qua đi.[145] Vào ngày 23 tháng 9 năm 1757, tin mừng này đến tai nhà vua, rằng quân Nga đã rút về phía Đông - thành quả của cuộc chiến đấu của người Phổ.[144] Nhưng tình hình vẫn hết sức nghiêm trọng, quân Pháp tấn công[146], danh tướng Winterfeldt trận vong khi giáp chiến với quân Áo tại Moys. Đồng thời, quân Thụy Điển xâm lược vùng Pomerania.[101]

Lúc ba quân tháo chạy khỏi Kolín, vua Friedrich II Đại Đế có hỏi: "Hỡi lũ súc sinh, các Ngươi có muốn sống mãi không?" Một người lính ném lựu đạn cao tuổi đáp: "Hỡi Fritz, xin Người hiểu cho, Hạ thần nghĩ Người nên ban thưởng chúng thần 13 đồng xu vì lương bổng này hợp với chúng thần".[147] Vua Friedrich Đại Đế đánh thắng quân Nga trong trận đại chiến tại Zorndorf (1758). Trung tướng Seydlitz đã góp công lớn cho chiến thắng của Đức Vua.[148]

Nhưng rồi, nhà vua đã xoay chuyển tình thế đưa chiến dịch năm 1757 trở thành một cuộc chinh chiến lừng lẫy không kém chiến dịch năm 1745 của ông.[149] Trong khi đó, sau khi đã dẹp được quân Nga, Lehwaldt đúng như điều nhà vua mong ước đã kéo quân về Stralsund để đánh đuổi quân Thụy Điển[145].[150] Giữa chiến trường tại Roßbach, chỉ trong vòng bốn tiếng đồng hồ nhà vua và Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig đại phá tan tác liên quân Áo - Pháp đông gấp hai lần Quân đội Phổ, trong khi quân địch bị tổn thất hết sức lớn lao thì số thương binh, liệt sĩ Phổ là vô cùng ít ỏi. Lực lượng Kỵ binh hùng hậu Phổ của Trung tướng Seydlitz đã quyết định cho đại thắng này, và tiếng kèn trompet của Quân đội Phổ vang lên sau khi địch quân đại bại.[151][152][153] Trước sức chiến đấu mãnh liệt của các chiến binh Phổ, quân Pháp và Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh đều tan rã vào tháo chạy cả.[154] Do năm xưa quân Pháp ác ôn xâm phạm và ngược đãi nhân dân Đức, hay tin cái đám quân Pháp kia đại bại tơi bời, toàn dân Đức chứ không riêng gì nhân dân Phổ đều mừng vui.[142] Ngay cả nhiều miền đất trong Đế quốc La Mã Thần thánh cũng đều vui sướng khi Pháp bị một ông vua anh hùng người Đức đánh cho thảm bại như thế.[154] Chiến bại tại Kolín đã được báo thù xứng đáng, và sau đại thắng, khi được ban thưởng hậu hĩnh, Seydlitz yết kiến Đức Vua: "Thật đáng tiếc, xem ra Đức Thánh Thượng không phải lúc nào cũng thấu hiểu mọi sự!" Friedrich II Đại Đế ngạc nhiên, vị Trung tướng kiệt xuất bảo rằng Đức Vua phải tưởng thưởng đầy đủ cho viên Đại tá và những người lính thực sự có công trong Trung đoàn của ông. Trung tướng Zieten cũng đồng tình với ông. Ý tưởng đánh dọc sườn quân Phổ của quân Pháp đã bị nhà vua và toàn quân Phổ phá vỡ hoàn toàn, và chưa bao giờ quân Pháp phải thảm bại đến thế.[155] Đại thắng huy hoàng tại Roßbach của Quân đội Phổ là vô cùng quan trọng, cuộc hành binh của họ đến đây được coi là khuôn vàng thước ngọc, hoàn toàn hạ gục Pháp và được coi là một Agincourt của dân tộc Đức quang vinh.[156]

Chiến công hiển hách của Friedrich II Đại Đế cũng giúp cho nền văn chương Đức nở rộ, làm cho Đế quốc La Mã Thần thánh tàn lụi.[92] Nhưng lúc đó, quân Áo xâm lược tỉnh Silesia và chiếm lại được một nửa tỉnh này, do đó nhà vua phải kéo rốc đại binh và họp binh với Trung tướng Zieten vào ngày 2 tháng 12 năm 1757 tại Silesia. Họ có được 38 nghìn binh sĩ trong đó 1/3 đội quân này là những chiến binh thắng trận tại Roßbach, phần còn lại là những chiến binh đã bại trận tại Silesia lúc Nhà vua thân chinh ở Roßbach. Nhà vua và các binh sĩ đã thắng trận tại Roßbach giờ đây động viên tinh thần ba quân. Trong cuộc đại chiến tại Leuthen vào ngày 5 tháng 11 năm 1747, 38 nghìn binh sĩ Phổ đã đánh tan tác 66 nghìn quân tinh nhuệ Áo, đây là chiến thắng vĩ đại nhất của Nhà vua Friedrich II Đại Đế. Các lực lượng Bộ binh và Pháo binh Phổ dũng mãnh đã xông vào làng Leuthen, còn lực lượng Kỵ binh của Trung tướng Driesen cũng đã lập công hiển hách. Bản thân nhà vua cũng lập chiến công cứu vãn một Sĩ quan Tham mưu và tiêu diệt một toán lính Áo. Trong khi đó, theo một giai thoại nổi tiếng nhất của nền quân sự Phổ, vị Trung tướng dũng mãnh Wedell lập chiến công nhưng bị trọng thương. Sau đại thắng, Nhà vua dong ngựa đi tuần tra bãi chiến trường, thấy ông đang nằm liền hô: "Wedell! Wedell!" Wedell gượng dậy, và tâu: "Bẩm Chúa Thượng, tất cả chúng thần đều là Wedell" cả. Nhà vua ngạc nhiên, và nói: "Khanh đã dạy cho Trẫm một bài học hay và Trẫm cảm ơn Khanh vì dạy nó".[157] Đại thắng vẻ vang này thể hiện sự vận dụng sâu sắc hiểu biết về địa hình của nhà vua, sức mạnh siêu việt của Kỵ Binh và Pháo Binh Phổ, cùng với sự quyết đoán của giới lãnh đạo quân sự Phổ.[114] Màn đêm buông xuống làm quân Áo chạy toán loạn. Đây không những là một chiến công hiển hách, mà còn là một thắng lợi về tinh thần của các chiến binh Phổ: một vài binh sĩ hát Thánh ca tạ ơn Đức Thiên Chúa sau đại thắng này.[158] Đại thắng tại Leuthen được xem là chiến thắng vĩ đại nhất trong giai đoạn lịch sử đó, thậm chí là trong cả thế kỷ XVIII, và chỉ một ngày khải hoàn tại Leuthen cũng đủ đưa tên tuổi của Nhà vua Friedrich II Đại Đế lên hàng đại danh tướng thế giới. Thủ phủ Breslau cũng trở lại với các chiến binh Phổ tinh nhuệ,[159] pháo đài Liegnitz cũng nhanh chóng rơi vào tay người Phổ tỉnh Silesia hoàn toàn được giải phóng và chiến thắng đã được hoàn toàn[160], và giờ đây, với đại bại te tua tại Roßbach, đám tàn quân Pháp kia không thể nào dám đụng độ với đội quân chính quy Phổ do nhà vua Friedrich II Đại Đế thân chinh thống lĩnh nữa.[161] Những chiến công trên đền cho thấy lòng dũng cảm đáng phục và kỷ cương son sắt của ba quân, đánh bại mọi đệ nhất liệt cường châu Âu.[4][19] Tất cả mọi chỉ huy quân sự nước Phổ đều bừng cháy khao khát hòa bình. Theo F. A. von Retzow: "Hơn hết là khí phách hùng anh của Friedrich, dẫn đầu một đoàn quân gồm những chiến binh hùng tráng, mà lòng can trường của họ chưa hề bị vận rủi đụng đến. Do đó, họ đánh hết trận này đến trận khác".[161] Được cổ vũ bởi việc Friedrich II Đại Đế cứu vãn nước Phổ, Thủ tướng Anh Quốc là William Pitt Già viện trợ cho Nhà nước Quân sự Phổ.[92]

Vua Friedrich Đại Đế thảm bại tại Kunersdorf (1759).Binh lính tinh nhuệ trong Trung đoàn Bộ binh Hoàng tử Heinrich (1757).

Vào năm 1758, nhà vua xuất đại binh đánh vào thành Olomouc (Moravia) của Áo, nhưng không thành.[99] Nhà vua vốn có ít taì năng vây hãm,[162] phải kéo các chiến binh dũng mãnh về phương Bắc trong một cuộc hành binh hiển hách "của loài mãnh sư", bảo vệ được đại quân hùng hậu và làm quân Áo cảm thấy họ gần như vừa đạt được một thắng lợi tiêu cực. Thế rồi, do quân Nga lại xâm lược Phổ - Brandenburg, nhà vua và các chiến binh phải vượt sông Oder vào ngày 21 tháng 8 năm 1758, buộc quân Nga phải bỏ chạy khỏi thành Küstrin.[163] Sau đó, quân Phổ giáp chiến ác liệt với quân Nga trong cuộc đại chiến ở Zorndorf. Trong lúc nguy cấp, nhà vua lệnh cho Seydlitz huy động quân Kỵ binh xông lên cứu vãn ba quân; cuối cùng nhà vua và toàn quân đã giành chiến thắng quyết định trước đại quân Nga trong trận đánh đẫm máu này, buộc người Nga phải lui binh.[164] Nhờ đó, nhà vua Friedrich II Đại Đế đã ngăn chặn được việc liên quân Áo - Nga họp binh.[92][161][165][166][167] Sau đó, nhà vua kéo đại binh về xứ Sachsen, bị quân Áo phục kích và đánh tan nát trong trận đánh lớn tại Hochkirch. Nhiều chiến tướng kiệt xuất của Phổ đều hy sinh anh dũng, trong đó vị chiến tướng đầu tiên là James F. E. Keith - người đã bị thương hai lần khi anh dũng chiến đấu bảo vệ làng Hochkirch. Trong đợt tiến công trước khi trận vong, ông triệu một viên Sĩ quan đến bảo: "Tâu với Đức Vua rằng Ta sẽ chiến đấu đến người cuối cùng và mở đường cho ba quân hội ngộ!..."[168] Giữa trận, một Sĩ quan bẩm báo: "Kính tâu Thánh thượng, chiến mã của Người bị thương", và quả thật là nhà vua thấm đầy máu trên lưng con chiến mã của ông, nó đã chết. cuối cùng thì ông tiến hành rút quân.[169] Ông thể hiện bản lĩnh anh hùng, qua việc lui quân an toàn trước mặt kẻ thù. Toàn quân và cả quân thù đều phải ngưỡng mộ ông như là một vị Tư lệnh chiến thuật tài ba, làm chủ được cả bản thân lẫn tình hình.[148] Sau thất bại, ông nhanh chóng hồi phục và đẩy lui quân Áo, giải phóng Silesia và Sachsen. Đồng thời, các quan tướng Phổ đã đánh tan tác các đợt tấn công của quân Nga và quân Thụy Điển tại tỉnh Pomerania.[92][170] Trong năm ấy, Thiếu tướng Heinrich August de la Motte Fouqué - một trung thần được nhà vua hết sức tín nhiệm - cố thủ kiên cố thị trấn Landeshut, ngăn ngừa được sự tấn công của người Áo.[171] Năm sau (1759), quân dân Phổ vẫn chiến đấu mãnh liệt giữ vững đất nước, khi đó theo sứ thần Anh QuốcAndrew Mitchell: "Đức Kim Thượng nước Phổ luôn hết sức cẩn trọng; Ngài thăm dò các đồn giặc hàng ngày, có khi Ngài đi cùng một nhóm Kỵ Binh và Bộ Binh, nhưng có khi là một nhóm Khinh Kỵ Binh rất ít ỏi... truy tìm những tên địch dễ bị các lực lượng nhẹ hạ gục". Nhà vua cũng thân chinh điều binh đánh dẹp, ban đầu quân của ông đánh thắng quân Nga nhưng rồi bị đại bại bi đát trước liên quân Nga - Áo trong trận đánh khốc liệt ở Kunersdorf.[92][168] Bản thân ông cũng súy bị địch quân bắt nhưng một toán Khinh Kỵ binh Zieten của viên Đại úy Prittwitz cứu sống được ông. Một trong những liệt sĩ của trận đánh này là Thiếu tá Christian Ewald von Kleist - "thi sĩ Mùa Xuân" trứ danh thời bấy giờ. Nhà thi hào này nằm liệt trên chiến tuyến khi Quân vương đang tổ chức tấn công quân Nga[172]. Nhưng do quân địch bị tổn thất quá nặng nề trong chiến thắng kiểu Pyrros của họ, vả lại Quân đội Phổ cũng thực hiện chiến lược khôn khéo nên quân địch không thể truy kích mà lại lui binh,[92] nhờ có một đống cây chướng mại, Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig đóng quân tại Torgau (Sachsen) và hoàn toàn chặn được đại quân Áo.[173] làm nên một "Phép lạ của Nhà Brandenburg"; và nhờ có sự lãnh đạo tài tình mà Trung tướng Friedrich August von Finck mà lực lượng quân Phổ nhanh chóng được hồi phục, được tái tổ chức để tiếp tục chiến đấu. Trong khi đó, binh đoàn của Tướng Johann Jakob von Wunsch vẫn nguyên vẹn tại Frankfurt.[172][174] Vào ngày 13 tháng 9 năm 1759, Finck và Wunsch đánh đuổi quân Áo ra khỏi Wittenberg, TorgauLeipzig. Một binh đoàn nhỏ bé của vị Thiếu tá Khinh Kỵ Binh táo bạo là Friedrich Wilhelm von Kleist tấn công phía Bắc xứ Bohemia, đập tan tành các kho đạn dược của người Áo, gây hủy hoại nghiêm trọng.[175] Với chiến công hiển hách của Finck đánh bại quân Áo trong trận đánh gần Meissen thì Quân vương ban Huy chương Đại Bàng Đen cho ông. Mặc dù vậy, tại Sachsen, do không tuân theo quân lệnh của Quốc vương, binh đoàn của Finck bị đại bại ở Maxen, và bản thân ông phải đầu hàng quân Áo.[92][172][176] Sau đó, quân Áo tiến công tại Meissen, buộc Tướng Diericke cùng 1500 binh sĩ phải ra hàng bên sông Elbe. Mùa Đông năm ấy, tình hình ba quân hoàn toàn không ổn định.[177] Nhà vua tới lúc này vẫn còn quyết tâm bảo vệ quân đội bằng tài nghệ và lòng dũng mãnh phi thường của ông.[157] Sang năm 1760, tình hình nguy cấp,[178] người Áo tiến công Landeshut. Thiếu tướng Heinrich August de la Motte Fouqué bị địch bắt, nhưng nhà vua được an ủi với lòng quả cảm xuất sắc của ông, do đó nhà vua khen ông chẳng khác gì những chiến binh La Mã cổ đại.[168] Quân Áo cũng vây hãm thủ phủ Breslau nhưng đạo quân Phổ do Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig chỉ huy đánh lùi địch.[179] Quân Phổ cũng có những đợt giằng co ác liệt với địch.[177] Thế rồi, nhà vua bị liên quân Áo - Nga vây hãm, song để tránh sự lặp lại trận Hochkirch, ông tổ chức một cuộc hành quân hiển hách thoát khỏi cứ điểm không thuận lợi, sau đó nhằm mũi vào đạo quân Áo do một danh tướng chỉ huy mà đánh lui ba cuộc tấn công của quân Áo, sau đó phản công đại phá tan tác địch trong trận đánh ở Liegnitz vào ngày 15 tháng 8.[180][181]

Nhà vua và toàn quân trong ngày đại thắng ở Liegnitz (1760). Đây là một ngày thắng trận huy hoàng, là lúc một Trung đoàn thất sủng - do lập chiến công hiển hách - được vua ân xá và rất sủng ái. Đồng thời, Tướng Saldern cũng ban tặng 10 đồng thaler cho người lính đã tiêu diệt một sư đoàn Áo.[180]
Chúng thần chiến đấu vì Đức Tin, vì Người, và vì Tổ Quốc.
— Lời người lính già sau trận thắng tại Liegnitz[182]

Những người lính Phổ trẻ tuổi đánh bại địch quân bằng sự dũng mãnh phi thường của họ, chả kém các bậc cha anh của họ từng vào sinh ra tử với nhà vua trước kia Quân Áo tổn thất nặng nề, danh tướng chỉ huy cùng với hàng nghìn thương binh phải chạy tháo thân, để lại biết bao nhiêu là chiến lợi phẩm cho quân Phổ. Vua, quan và quân sĩ thắt chặt tình đoàn kết với nhau.[172] Vị Trung tướng vĩ đại Zieten đã giúp vua ngăn chặn được viện binh đến hỗ trợ cho đám bại binh Áo. Nghe tin dữ, quân Nga thoái lui.[181][183] Đây là một thắng lợi phòng thủ của nhà vua và ba quân.[176] Đại thắng huy hoàng tại Liegnitz củng cố niềm tin cho ba quân đối với vua Friedrich II Đại Đế.[173] Chiến thắng vang dội này cũng giúp ông hoàn toàn lẫy lừng trở lại, sau những chiến bại lớn vào năm 1759 và đầu năm 1760. Do đó, Bộ Ngoại giao Anh Quốc phải thừa nhận rằng, chưa bao giờ thiên tài xuất sắc của vị Quốc vương vĩ đại được thể hiện rõ rằng bằng chiến dịch hiển hách này.[173] Trong đêm trước trận này, những người lính đã cùng nhau nghe quân lệnh của Đức Vua, và để lập nên chiến công huy hoàng này, Friedrich II Đại Đế đã thực hiện chiến thuật siêu việt, những cuộc hành binh hiển hách cũng như lòng dũng cảm không gì bằng của ông. Sau chiến thắng, ông và những người lính đã xua tan cái bóng ma của các trận Hochkirch, Kunersdorf và Landeshut. Ziethen được phong làm Tư lệnh Kỵ Binh và các công thần của chiến thắng đều được trọng hậu.[172] Sau đó, quân Nga rút khỏi tỉnh Silesia,[184] song liên quân Nga - Áo tiến chiếm kinh đô Berlin, nhưng với tư cách là một bậc Thánh quân,[18] Friedrich II Đại Đế vẫn tiếp tục chiến đấu, và một cuộc hành binh của ông làm địch quân phải rút khỏi kinh thành. Vào ngày 3 tháng 11 năm 1760, trong cuộc đại chiến ác liệt với đại quân Áo ở Torgau, vua Friedrich II Đại Đế cùng 5 vạn quân sĩ[99] phải hứng chịu thất baị ban đầu, nhưng nhờ có Đaị tướng Zieten mà các chiến binh Phổ đánh thắng quân Áo, dù đây là một chiến thắng kiểu Pyrros của quân Phổ,[184] trận thắng này làm cho viên Thượng thư Bộ Ngoại giao Áo phải tuyệt vọng. Sự táo bạo của nhà vua trong kế hoạch cho trận đánh này đã khiến chiến thắng tại Torgau được xem là trận thắng Chancellorsville của thế kỷ thứ XVIII.[185] Đầu năm 1761, khi dại quân Phổ đánh phá Sachsen, nhà vua truyền lệnh cho ba quân cướp bóc dã man ngôi nhà Brühl tại Leipzig và dinh Hubertusburg của Tuyển hầu tước Sachsen, khiến cho quân Phổ trở nên khét tiếng man rợ, tàn nhẫn.[186] Trong năm, một đạo quân Phổ do vị Đại tướng xuất chúng Zieten chỉ huy đánh tan nát các quân đoàn Cozak Nga.[187] Đạo quân của Hoàng tử Heinrich nhận được quân lệnh trấn giữ xứ Sachsen, và chặn đứng được Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh.[173][184] Do tình hình ba quân tổn thất nặng nề và suy sụp trầm trọng, nhà vua phải phòng thủ tại doanh trại Bunzelwitz (Silesia) và thành công, giành thắng lợi không đổ máu trước liên quân Nga - Áo. Nhà vua còn hạ lệnh cho viên Trung tướng chỉ huy Kỵ binh là Platen kéo các chiến binh tới đánh Ba Lan và đánh thắng được quân Nga ở đây. Nhưng rồi, đến cuối năm 1761, nước Phổ suy sụp nghiêm trọng, liên quân Nga - Áo chiếm được các pháo đài quan trọng như Schweidnitz và Kolberg, dù rằng nhà vua giữ vững được lực lượng Quân đội Hoàng gia Phổ ở tỉnh Silesia trong khi Đại tá Wilhelm Sebastian von Belling chỉ huy lực lượng Khinh Kỵ binh và Dân quân Phổ chặn đứng được quân Thụy Điển tại Pomerania. Nhà vua cử Thống chế August Wilhelm, Quận công xứ Brunswick-Bevern làm quan Tổng đốc thành Stettin chống quân Thụy Điển, củng cố đội thủy binh Phổ nhỏ bé.[173][188]

Vua Friedrich II Đại Đế sau cuộc đại thắng tại Torgau. Để lập nên chiến thắng này, ông phải chịu tổn thất nhiều binh sĩ nhưng đồng thời viên Tổng tư lệnh quân Áo bị trọng thương.[92]

Đã thế người Anh còn không hỗ trợ cho Phổ chiến đấu nữa.[92] Mặc dù chiến thuật của Friedrich II Đại Đế luôn luôn siêu việt, mọi chiến thắng to lớn của nhà vua đều không thể chấm dứt cuộc chiến, và ngay cả chúng cũng làm cho lực lượng quân đội của ông bị suy kiệt. Nhưng trong suốt thời gian qua, ông đã gầy dựng được quân đội và giữ được đất nước, đến lúc suy yếu thì vận may đến - là một đặc điểm của một lãnh đạo quân sự vĩ đại như ông.[189] Cần phải nhớ rằng, trong suốt thời gian qua, tuy ông chủ trương tấn công nhưng cũng đồng thời đánh lừa địch, và dĩ nhiên, với tài năng mưu lược của mình, nhà vua đã câu giờ được quân thù để rồi "Phép lạ" đến với ông:[190] đầu năm 1762, tân Hoàng đế Nga là Pyotr III ký kết Hòa ước với vua Phổ, trả lại mọi đất đai cho ông, tiếp theo đó người Thụy Điển cũng cầu hòa và lui binh, nhưng tình hình lực lượng Quân đội Phổ hãy còn tệ đi rất nhiều. Song, tại Sachsen, Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig tiếp tục chiến tranh, ông giành thế thượng phong đẩy lui được quân Áo.[191] Heinrich là người chủ trương đánh lừa quân thù thay vì tiến công, và ông được vua anh Friedrich II Đại Đế khen là "vị tướng không bao giờ mắc sai lầm".[192] Pyotr III - một người vô cùng đam mê Quân đội Phổ và thích mang Huy chương Phổ - nhanh chóng bị Hoàng hậu Ekaterina soán ngôi, nhưng tân Nữ hoàng Ekaterina II Đại Đế không tái chiến do Nga đã mỏi mệt.[173][184][193] Trong khi đó, vua Friedrich II Đại Đế trở lại doanh trại Bunzelwitz để tiếp tục cuộc chiến đấu chống đội quân Áo hùng mạnh đóng ở Burkersdorf. Ông xoay chuyển tình thế, xua quân đánh tan tác quân Áo trong trận đánh tại đây, nhờ có các Sĩ quan như Wied và Wichard Joachim Heinrich von Möllendorf phò tá đúng theo kế hoạch của ông.[173][194] Cũng như trận thắng tại Freiberg sau này, các đội hình phân tán của Phổ đã mang lại vinh quang thắng lợi.[195] Tuy quân Ottoman đã không nhảy vào cuộc chiến như nhà vua mong muốn, lợi thế trong chiến tranh đã hoàn toàn nghiêng về những chiến binh Phổ.[92] Chiến thắng này có tầm quan trọng về moị mặt, gây cho liên minh chống Phổ trở nên chán chiến tranh và con đường rộng mở cho Quốc vương nước Phổ.[196] Và, sau trận thắng này, vua Friedrich II Đại Đế hỏi một thương binh rằng anh đã thấy trận đánh diễn ra như thế nào, anh liền tâu:[197]

Phải tôn vinh Đức Thiên Chúa, chiến trận diễn biến thật tốt đẹp, bọn giặc đang tháo chạy và chúng ta chiến thắng!
— Người thương binh
Con trai à, con đang bị thương!
— Friedrich II Đại Đế[197]
Những người lính trong Trung đoàn Khinh Kỵ binh Zieten (1774).

Nói đoạn nhà vua lấy một chiếc khăn mùi xoa ra ban cho người thương binh.[197] Sau khi đánh đuổi quân thù khỏi Burkersdorf, các chiến binh Phổ, với sự chỉ huy tài tình của nhà vua và Quận công xứ Brunswick-Bevern, lại đánh thắng địch quân trong trận đánh ở Reichenbach và giải phóng hoàn toàn thành Schweidnitz.[173] Không những thế, Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig cũng liên tiếp đại thắng Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh tại xứ Sachsen, làm bọn họ phải tháo chạy và hợp binh với người Áo để toan hất cẳng quân Phổ. Vị Hoàng tử đại tài liền chấp nhận mở trận đánh và, trong trận đánh ở Freiberg, Hoàng tử Friedrich Heinrich Ludwig cùng với Trung tướng Seydlitz đại phá tan tác quân Áo - Quân đội Đế quốc La Mã Thần thánh. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của cuộc Đại chiến Bảy Năm, làm Nữ hoàng Áo Maria Theresia tuyệt vọng.[198] Quân Áo tháo chạy khỏi miền Nam Sachsen. Như thế là đạo quân của Heinrich đã hoàn thành chiến dịch đầy vinh quang của ông, làm cho vua anh vui sướng đến mức "trẻ đi 20 tuổi".[199] Theo huấn dụ của Đức Vua, các đạo quân Phổ dồn dập tấn công các Vương hầu thù địch trong Đế quốc La Mã Thần thánh, làm họ phải thương thuyết, hoặc cống nạp cho quân Khinh Kỵ binh Phổ để cầu hòa.[198] Những cuộc đại thắng này đã đập vỡ hy vọng của Thống chế Áo Daun, và giúp nhà vua gây áp lực nặng đến lời cầu hòa của người Áo,[200] quân Phổ lui binh khỏi xứ Sachsen và gìn giữ được toàn vẹn non sông với Hiệp định Hubertusburg vào ngày 15 tháng 2 năm 1763, củng cố được vai trò liệt cường của đất nước Phổ anh dũng. Ngày khải hoàn, đoàn quân chiến thắng của ông trở về kinh thành Berlin, nhưng vua Friedrich II Đại Đế lại đi đường vòng về đất kinh kỳ, nán lại một chúc tại bãi chiến trường Kunersdorf năm xưa. Vị vua chiến thắng và cận thần của ông đều tỏ ra ảm đạm trước thương vong của nước Phổ trong chiến tranh.[99][173] Nhiều Hoàng thân quốc thích của vua đã hy sinh, cùng với không ít tướng giỏi.[125] Nhưng không ai có thể phủ nhận rằng, nước Phổ - một quốc gia đã đánh bại được các kình địch hùng hậu trong suốt bảy năm chinh chiến - giờ đây hoàn toàn là một liệt cường: nhà sử học Đức vĩ đại Leopold von Ranke có nói rằng một nước được chứng nhận là liệt cường khi đánh bại cuộc xâm lược của một liên minh các nước láng giềng. Giờ đây ít nhất Phổ cũng phải là một liệt cường quân sự. Nước Phổ thế kỷ XVIII cũng giống như Thụy Điển thế kỷ XVII: nghèo tài nguyên nhưng có một bộ máy Chính phủ hiệu quả và một Quân đội tinh nhuệ.[92][201][202]

Trong hai cuộc binh lửa Silesia đầu tiên, cứ sau mỗi trận thắng nhà vua lại chỉ ra những lỗi sai của bản thân và ba quân, để cùng nhau sửa sai.[122] Cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763) đã xác nhận vai trò của nhà vua Friedrich II Đại Đế là một đại danh tướng kiệt xuất. Nhờ sự sáng suốt của ông cùng với khoản viện trợ của người Anh, người Phổ thắng trận chẳng phải nợ nần gì, khác với nước Pháp láng giềng.[90] Nhờ sự quyết đoán chứ không lề mề như các tướng lĩnh Áo, nhà vua đưa Quân đội Phổ đến chiến thắng cuối cùng; những chiến thắng lừng vang của quân đội của ông tại Hohenfriedberg (1745), Roßbach và Leuthen đã đi vào huyền thoại quân sự.[18][203] Trong chiến tranh, Quân đội Phổ ban đầu áp dụng "Chiến tranh chớp nhoáng" (Blitzkrieg) vào năm 1757 qua việc tấn công thành Praha để đẩy Áo ra khỏi vòng chiến, nhưng thất bại. Những chiến thắng hào hùng của nhà vua tại Roßbach và Leuthen cho thấy một hình thức mới của "Chiến tranh chớp nhoáng".[92] Khi bị vây tứ phía thì ông quyết tâm đem binh đánh từng kẻ thù một, và dựa vào địa thế mà làm nên những chiến công lịch sử tại Roßbach và Leuthen.[189] Ông cũng coi trọng sự linh động của ba quân, trong một thời gian từ hai đến bốn tuần thì cứ mỗi ngày ông tổ chức một cuộc hành binh nhanh khoảng 20 cây số.[94] Ông thích dùng chiến thuật trứ danh "đánh dọc sườn", qua đó một cánh quân hoàn toàn áp đảo địch quân, sẽ hành binh theo hình bậc thang đến bất ngờ xung phong đánh bại địch. Chiến thuật này đòi hỏi kế hoạch trước trận phải hoàn hảo và ba quân phải thật linh động. Theo nhà sử học Rudolf Keitel, từ các chiến thắng ban đầu tại Mollwitz, Chotusitz và Hohenfriedeberg, nhà vua đã tiến hành chiến thuật "đánh dọc sườn" này. "Quân lệnh Seelowitz" (‘Instruction für die Cavalleire’, 17 tháng 3, Oeuvres, XXX, 33; ‘Disposition für die sämmtlichen Regimenter Infanterie’, 25 tháng 3 Oeuvres, XXX, 75) vào tháng 3 năm 1742 cũng đã cho thấy lý thuyết về chiến thuật này.[204] Chiến thuật này đã được quân ông áp dụng trong hai trận thắng lớn tại Hohenfriedberg và Soor hồi năm 1745.[114] Tuy chiến thuật này quyết định chiến thắng tại Leuthen (1757), nó không quan trọng bằng tài năng kiệt xuất của nhà vua biết tập hợp các binh chủng làm nên đại thắng tại Roßbach (1757) hay biết hồi sinh lại sau những thất bại tại Kolín (1757), Hochkirch (1758), Kunersdorf (1759). Sự hồi phục này cũng là nhờ tầm quan trọng cuộc chính trị trong chiến tranh, nhà vua hiểu thế nên ông không thề nào lui khỏi chiến tranh, và chính nhờ đó mà ông đã chiến thắng cuộc chiến tranh.[190][200] Tuy cuối năm 1761 tình hình khó khăn cho nhà vua thiên tài, lúc ấy các nước Nga, Áo, Pháp, Thụy Điển cũng đều kiệt quệ nên điều ấy chứng tỏ là Quân đội Phổ không thể bị đánh bại.[137] Quân đội Phổ bấy giờ phải dưới quyền vị vua nổi tiếng là "kẻ ghét người", nhưng tuy ông liên tục phê bình các Trung đoàn Phổ sai trái, ông sẽ sớm sủng ái họ trở lại: tỷ như sau cuộc đại thắng ở Liegnitz (1760), Quốc vương trao gươm báu cho một Trung đoàn vừa bị thất sủng trong khoảng thời gian trước đó.[205] Vị Trung đoàn trưởng của họ đáp lễ: "Hạ thần xin đa tạ Thánh Thượng dưới danh nghĩa của các tướng sĩ cấp dưới của Hạ thần, vì đã phục hồi địa vị cũ của chúng thần. Người vẫn là Đức Vua hiền minh của chúng thần."[206] Ngoài ra, việc ông liên tục thân chinh ra trận đã lan truyền vào trái tim của ba quân tư tưởng họ là những chiến binh bất khả chiến bại - đây là một sức mạnh góp phần không nhỏ cho chiến thắng.[18] Sau khi ông đánh thắng quân Áo vào năm 1762, Nguyên soái Nga là Bá tước Zakhar Grigoryevich Chernyshov cũng phải khen ngợi ông: "Giờ đây Hạ thần không còn lạ lẫm gì trước lòng nhiệt huyết của ba quân của Thánh Thượng đối với Người, bởi lẽ Người đối đãi họ thật hậu hĩnh".[197][198]

Một "đội quân có quốc gia"

Khinh Kỵ binh Đầu lâu, in bởi Richard Knötel.
Nhà nước không thể được giữ vững nếu không có một Quân đội hùng hậu, bởi lẽ những cường địch luôn vây quanh chúng ta và chúng ta luôn luôn phải bảo vệ chính mình.
— Friedrich II Đại Đế (Di Chúc Chính trị năm 1768)[207]

Ngay từ buổi đầu trị nước, nhà vua Friedrich II Đại Đế đã nhận thấy rằng đất nước và nhân dân đều phải phụ thuộc vào lực lượng Quân đội tinh nhuệ. Và nếu không có những chiến binh dũng mãnh thì hẳn là ông không thể lập công trạng gì cho Tổ quốc.[208] Ông có hai Huy chương "chính thức" để tặng cho những võ tướng dũng mãnh của ông: Huy chương Hắc Đại Bàng, và Huy chương Pour le Mérite được chính ông sáng lập vào tháng 6 năm 1740.[209] Một ví dụ là vị kiệt tướng Seydlitz: nhà vua ban cho ông Huy chương Pour le Mérite vì ông đã chiến đấu anh dũng trong trận Kolín, ít lâu sau vì chiến công hiển hách tại Roßbach ông lại được phong Huy chương Pour le Mérite, dù rằng Seydlitz là một vị Trung tướng thật mới mẻ của Quân đội Phổ.[210] Từ năm 1756 cho đến năm 1759, có đến 33 tướng tá Phổ bị hy sinh.[211] Do tổn thất quá nặng nề trong suốt cuộc binh lửa, nhà vua phải huấn lệnh cho tuyển mộ Sĩ quan thuộc tầng lớp trung lưu, nhưng sang thời bình ông không dùng đến chính sách này nữa.[212] Sau khi chiến thắng, nhà vua trở về kinh đô Berlin vào tháng 3 năm 1763 và tiến hành ban thưởng cho các công thần, đồng thời xuống lệnh cho lực lượng dân quân diễn tập.[213] Chiến thắng cuộc Chiến tranh Bảy Năm rồi thì người Phổ giữ nước bằng việc tránh khỏi chiến tranh và nhờ có sức mạnh quân sự: có lẽ nhà vua chậm hiểu nhưng ông đã hiểu rõ rằng việc lực lượng Quân đội Phổ - với tư cách là một đội quân phòng ngự chiến lược - thiện chiến sẵn sàng chống lại một đội quân xâm lược nào đó thì cần thiết cho nền an ninh quốc gia hơn hẳn gây chiến lung tung. Ông khuếch trương mở rộng các huyền thoại về những chiến thắng và cả chiến bại của Quân đội Phổ trong cuộc Chiến tranh Bảy Năm. Mọi sự đề cao sức mạnh quân sự Phổ, cả những trận đánh như Leuthen lẫn Kunersdorf, đều khiến cho các nước láng giềng không ngu gì mà gây gổ với "Ông già Fritz" và lực lượng Bộ Binh ném lựu đạn trung dũng của ông.[201] Do bại trận tại Maxen, Friedrich August von Finck bị cầm tù, trong khi Johann Jakob von Wunsch đã chiến đấu mãnh liệt nên được tha. Finck sau đó làm Tư lệnh Bộ Binh trong Quân đội Đan Mạch, trong khi hai đứa con gái của ông ở Phổ được Quân vương lo cho ăn học.[172] Cả Áo, Pháp lẫn Nga đều dựa theo Phổ mà tiến hành cải cách Quân đội.[214] Quân đội Phổ cũng được đề cập đến trong tác phẩm "Candide" của nhà hiền triết Pháp Voltaire.[215] Nhà vua Tây Ban Nha là Carlos III học tập theo những chiến thuật của cả quân Bộ binh lẫn Kỵ binh Phổ. Những cựu chiến binh của nhà vua Friedrich II Đại Đế đều được đón nhận ở các nơi khác. Người Anh cũng dịch những huấn lệnh cho quân Bộ binh Phổ vào năm 1754, và những húân lệnh cho quân Kỵ binh Phổ vào năm 1757. Vào năm 1777, vị tướng hàng đầu của cuộc Cách mạng MỹNathanae Greene, khi khuyên George Washington không nên công thành Philadelphia, đã gọi nhà vua Friedrich II Đại Đế là "vị Tướng kiệt xuất nhất của thời đại". Các sách dạy quân sự của Anh Quốc vào năm 1786 cũng dựa theo viên Tướng Thanh tra của Phổ. Vào năm 1782, con thứ của nhà vua George III là Frederick, Quận công xứ York đến xem Quân đội Phổ diễn tập tại xứ Westfalen. Năm sau (1783), Louis-Alexandre Berthier - sau là Tổng tham mưu trưởng của độc tài Napoléon - đã tham quan và vô cùng bái phục những chiến binh Phổ tinh nhuệ.[216]

Quân Pháo binh Phổ (1750).

Trong những năm chinh chiến 1759 - 1760, Nhà vua ban Sắc chỉ thiết lập lực lượng "Khinh Pháo binh", còn gọi là Kỵ Pháo binh - một đội quân có thể xung phong chiến đấu chỉ trong vòng 1 phút. Cuối đời ông, ông thành lập vài Lữ đoàn Kỵ Pháo binh - gồm những khẩu đại pháo nặng 6 pao được những con chiến mã thiện nghệ nhất kéo đi, nhằm hỗ trợ cho quân Kỵ Binh và giúp cho Kỵ Binh trở nên linh động hơn. Đối với những đội Pháo Binh mạnh hơn của ông, ông có nhiều quân Kỵ Pháo Binh nhờ thu thập ngựa ở các nông trang trong suốt cuộc Đại chiến Bảy Năm. Đối với lực lượng Pháo Binh của mình, ông đề cao tốc độ của họ trong việc tiếp chiến và thu quân, cũng như việc tập dợt Pháo Binh cùng với các binh chủng khác.[217][218] Nhà vua cho thiết lập lực lượng đồn trú đầu tiên trên đất kinh đô Berlin vào năm 1764. Trước kia tiên vương Friedrich Wilhelm II muốn gầy dựng một đội quân chủ yếu là các binh sĩ bản địa, nhưng nay Friedrich II Đại Đế muốn tuyển mộ chủ yếu là các binh sĩ người ngoại lai vào Quân đội Phổ, ông cho rằng nên để những người Phổ bản địa gánh vác công việc đóng thuế và sản xuất.[219] Vào năm 1740, nhà vua Friedrich II Đại Đế thiết lập lực lượng Cấm Vệ quân (Garde du Corps) làm Vệ binh Hoàng gia cho ông.[220] Trong các cuộc chiến, nhà vua luôn biết kiềm chế tham vọng của mình, chỉ đấu tranh vì sự sống còn và phồn vinh của đất nước, khác với vua Alexandros Đại Đế xứ Macedonia và vua Pháp Louis XIV khi xưa.[122][221] Các binh tướng Phổ cũng vậy, họ đã rút ra bài học từ sự tử trận của các ông vua - chiến binh Thụy Điển Gustav II Adolf và Karl XII năm xưa.[222] Vào năm 1768, ông gầy dựng được Quân đội bao gồm 161 nghìn binh sĩ. Bốn năm sau (1772), nhờ có ngoại giao tài tình, ông lấy được nhiều đất đai của Ba Lan và tuyển mộ thêm được nhiều binh lính, đưa Quân đội Phổ trở thành lực lượng Quân đội lớn thứ ba trên toàn cõi Âu châu, sau Áo (297 nghìn quân) và Nga (224 nghìn quân)[223], dù Phổ có dân số lớn thứ 13 và lãnh thổ rộng thứ 10 trên khắp Âu châu. Cứ trong 29 người dân Phổ thì lại có một người lính.[224]

Nhiều binh sĩ không trung thành với Đức Vua, tỷ như những binh lính đánh thuê hoặc là những binh lính nhập ngũ thông qua cưỡng bách tồng quân, trong khi đó những binh lính được tuyển mộ qua hệ thống chia quân đóng từng khu vực có cư dân thì lại khác: họ thể hiện tinh thần yêu quê hương cao đẹp, là tiền thân của chủ nghĩa yêu nước. Ngay cả một bác nông dân nghèo cũng tự hào khi có con được nhập ngũ trong Quân đội dũng mãnh của vị vua bách chiến bách thắng.[225] Trong cuộc Chiến tranh Bảy năm, phần lớn các Binh đoàn tinh nhuệ của Quân đội hoàn toàn gồm thâu những chiến binh Phổ bản xứ.[226] Có những trường hợp làm trái lệnh Quốc vương như viên Đại úy Friedrich August von der Marwitz không chịu tấn công một thành trì vào năm 1760, hay Tướng F. C. von Saldern không chịu phá thành Hubertusburg của Tuyển hầu tước xứ Sachsen vào năm 1761.[227] Trong khi Marwitz rời khỏi đội quân của vị vua anh dũng Friedrich II Đại Đế, Saldern nói: "Nếu Đức Kim thượng hạ lệnh cho Thần tấn công mấy Sư đoàn địch, Hạ thần tuân chỉ ngay.[228] Nhưng một việc trái với niềm danh dự, trung thành và trách nhiệm có thể là điều ngược lại với ý chí và lương tâm không cho phép Hạ thần làm vậy". Nhưng về sau Saldern thắng giặc do đó được nhà vua sủng ái. Nhưng không phải về vấn đề nào Quân đội Phổ cũng khắt khe. Trong suốt cuộc Đại chiến Baỷ Năm, vị vua đại tài Friedrich II Đại Đế luôn đàm luận vui vẻ với binh lính trên đường hành quân, bằng khẩu ngữ Hạ Đức của họ. Trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ, khi một người lính của đạo quân đánh thuê Hanau bị chất vấn do nhìn chằm chằm vào mặt viên Sĩ quan Quân đội Anh, ông này đáp rằng "ông ấy được phò tá Đức Kim thượng, Đức Vua nước Phổ trong suốt 8 năm, và được phép nhìn mặt Ngài bất cứ khi nào yết kiến Ngài, và hơn nữa, ông ấy không bị phán trách vì chuyện này" (dẫn theo Pausch, 1886, 112).[229] Lực lượng Quân đội Phổ gồm thâu 187 nghìn binh sĩ vào năm 1776, trong số họ có 9 vạn chiến binh là người Phổ ở miền Trung và Đông Bộ đất nước. Phần còn lại là quân tình nguyện hoặc người đủ tuổi đi lính nước ngoài (kể cả là người Đức lẫn không phải là người Đức).[230] Trong năm ấy, Quân đội Phổ được vị vua hùng tài đại lược khuếch trương xây dựng, trong khi Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette còn ăn chơi xa xỉ, Nữ hoàng Áo Maria Theresia còn mua sắm trang sức và Nữ hoàng Nga Ekaterina II Đại Đế thì tình tứ lăng nhăng.[231] Vào năm 1778, âm mưu xâm lược xứ Bayern của Hoàng đế La Mã Thần thánh là Joseph II đã khiến Nhà vua Friedrich II Đại Đế phải lo sợ, ông bèn thân chinh kéo binh mã tiến đánh xứ Bohemia trong cuộc Chiến tranh Kế vị Bayern. Quân Áo phòng thủ thật kiên cố mà không đánh một trận nào, làm cho các chiến binh Phổ không thể mở trận đánh. Sự cẩn trọng như vậy chứng tỏ nhà vua đã ít liều lĩnh hao binh tổn tướng hơn kể từ sau những năm tháng chiến tranh trước kia, và đây sẽ là cuộc chiến chinh cuối cùng của ông.[18] Ông ngự bút viết thư từ với các đại tướng, bàn về binh cách.[232] Vào Mùa Đông, quân đội hai bên tranh giành khoai tây với nhau mà chẳng hề chạm trán nhau. Trước tình hình đó, mẹ của Joseph II là Maria Theresia phải ký kết Hiệp định Teschen (1779), theo đó bà ta bỏ hết mọi tham vọng của người Áo ở xứ Bayern. Điều này đủ thấy Quân đội Phổ được kinh sợ như thế nào.[233][234] Danh tiếng của vua Friedrich II Đại Đế ngày càng vang xa, nước Phổ coi như đã thắng trận.[235][236]

Quân Long Kỵ binh Phổ (1745).

Để dựng xây Quân đội, ông cũng viết nhiều tác phẩm lý luận quân sự sấu sắc để giáo huấn ba quân, bằng kiến thức quân sự hết mực chuyên sâu của ông, ảnh hướng tới đời sau.[237][238] Ông không ngừng tiến hành những cuộc tập dợt ba quân. Sách "Những lời dạy của Friedrich II Đại Đế dành cho quan tướng của mình" (1747 được xem là một tác phẩm tuyệt vời, là một cuốn sách kinh điển và rất bổ ích đối với việc răn dạy ba quân trong lịch sử quân sự.[239][240] Vua viết bằng tiếng Pháp (Les Principes Généraux de la Guerre appliqués à la Tactique et à la Discipline des Troupes Prussienes), và đầu tiên ông trao nó cho Hoàng đệ August Wilhelm. Vào năm 1753, vua dịch sách sang tiếng Đức (Die General-Principa vom Kriege) và truyền cho các vị tướng soái của mình. Trong cuốn sách này, việc giữ vững quân đội có kỷ luật là vấn đề đầu tiên mà vua phân tích. Ông nhấn mạnh sự độc đáo đến phi thường của Quân đội Phổ - không những là lực lượng quân sự duy nhất có tinh thần kỷ cương sánh ngang với các binh đoàn Lê dương La Mã cổ xưa, nhưng cũng khó thể vững tồn vì có nhiều binh sĩ người ngoại quốc. Do đó, ông viết: "Hiện trạng của quân lực của chúng ta cho thấy rằng ai chỉ huy nó thì cần phải theo dõi không ngưng nghỉ".[2] Một viên Đại úy tên Karl Gottlieb Guichard cũng viết sách về chiến sự thời kỳ cổ đại.[241] Ông được đặt tên là Quintus Icilius sau một lần bàn luận của Quốc vương về trận Pharsalus trứ danh thời nội chiến La Mã.[242] Thời bấy giờ, danh thơm của Quân đội Phổ và vị Tổng tư lệnh uy dũng của họ trở nên vang lừng. Sau cuộc Chiến tranh Bảy Năm, du khách nước ngoài đổ xô đến kinh kỳ Berlin để chứng kiến những Trung đoàn vận quân phục xanh dũng mãnh, và nếu thật may mắn, yết kiến Nhà vua Friedrich II Đại Đế - một kỳ nhân của thời đại. Ông cũng khuyên khích các chuyên gia quân sự nước ngoài và thần dân hiếu kỳ lên kinh để coi ba quân rầm rộ diễu binh.[243] Bấy giờ, các danh tướng của ông phần lớn đã mất hoặc về hưu, tỷ như Seydlitz qua đời vào năm 1773 ít lâu sau Quốc vương đến thăm ông lần cuối.[244] Fouqué - người bạn cũ dũng cảm của Quốc vương - sau khi chiến tranh kết thúc năm 1763 đã trở về xứ Brandenburg, thường được Quốc vương thăm viếng và tặng quà, cũng qua đời vào năm 1774.[245][246] Quintus Icilius cũng qua đời vào năm 1775 và nhà vua tiến hành mặt niệm.[242][247]

Vào năm 1783, nhà vua rút kinh nghiệm xương máu từ các cuộc chiến tranh nên viết "Những quân lệnh" về tầm quan trọng ngaỳ càng gia tăng của lực lượng Pháo Binh. Điều này cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của Đức Vua trong việc điều binh khiển tướng.[248] Vào năm 1785, Đại tướng Zieten có lên kinh thăm ông. Ngân khố đất nước ngày càng đầy ắp, đất nước ngày càng hùng mạnh, và quân đội sẵn sàng chiến đấu.[249] Trong cuộc tổng diễn tập năm ấy, ông chỉ huy toàn quân giữa cơn mưa tầm tã, do đó ông không thể phục hồi được.[250] Cơn bệnh này dẫn tới việc ông ra đi về cõi vĩnh hằng vào ngày 17 tháng 8 năm 1786, thần dân nước Phổ đã phải vĩnh biệt vị Quân vương đại tài có công với nước.[251] Trong năm ấy, nhiều tướng tá Pháp đã đến yết kiến nhà vua Phổ và ba quân.[4][252] Cuối đời ông, lực lượng Quân đội trở thành một thành phần không thể thiếu trong xã hội đất nước và có đến 195 nghìn chiến binh. Do đó, lực lượng Quân đội chiếm 3,38% dân số Phổ - tỷ lệ này có thể so sánh được với các quốc gia đầu tư quân sự cao nhất trong khối Đông Âu trong Chiến tranh Lạnh (chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Đức).[224] Mặc dù các quốc gia quân chủ chuyên chế đều quân sự hóa, không nước nào bằng Phổ, với nền quân sự hào hùng.[88] Các tầng lớp xã hội đều được tham gia vào việc phục vụ Quân đội: quý tộc thì chỉ huy Quân đội, trung lưu thì tiếp tế quân nhu, còn nông dân thì làm binh lính.[212] Quân đội Phổ sau chiến tranh vẫn còn vũ trang nặng nề và nhanh chóng gia tăng, hoàn toàn không giống như các nước Nga và Áo đều phải giảm quân số đi.[207][224] Nhờ có lực lượng Quân đội hùng mạnh, Quốc vương Friedrich II Đại Đế có thể giữ vững được đất nước thái bình thịnh trị, thay vì nhờ vào các liên minh.[224] Có lời nhận định như sau, người cho là của nhà văn Pháp Honoré-Gabriel Riquetti de Mirabeau, người cho là của quan Thượng thư Triều đình Phổ Friedrich von Schrötter, người khác lại cho là của nhà sử học quân sự Georg Heinrich Berenhost - viên Sĩ quan phụ tá của Quốc vương trong cuộc Chiến tranh Bảy Năm:[70][88][92][224][253]

Vương quốc Phổ không phải là một Quốc gia có Quân đội, nhưng là một Quân đội có Quốc gia. Cả đất nước thực chất chỉ là nơi đóng trại của toàn quân!
— Mirabeau/Schrötter/Berenhost

Có sách thì viết Mirabeau có lời nhận định: "Chiến tranh là nghề làm ăn chủ yếu của dân tộc Phổ".[87] Friedrich II Đại Đế được coi là người sáng lập Quân đội Phổ và với ông, "Ký ức sống" của Quân đội Phổ được hình thành.[254] Friedrich II Đại Đế là vị vua có tài mưu lược kiệt xuất, thâu tóm mọi quyền hành cai trị, tổ chức và huấn luyện ba quân để mang lại thắng lợi cho đất nước, và, cũng giống như vua Karl XII trong cuộc Đại chiến Bắc Âu vài chục năm trước, ông"là Thượng thư Bộ Chiến tranh, nhà lý luận quân sự, Tổng tư lệnh và Tổng Tham mưu Trưởng của chính ông" trong cùng lúc.[255][256]

Liên quan

Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 7, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 1, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Quân khu 5, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 9, Quân đội nhân dân Việt Nam Quần đảo Trường Sa